Thông tin về những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án NCS Trần Văn Tùng

16 tháng 8, 2017

TRÍCH YẾU LUẬN ÁN

- Nghiên cứu sinh: NCS: Trần Văn Tùng

- Tên đề tài luận án: "Nghiên cứu động lực học dọc liên hợp máy kéo bốn bánh và rơ moóc một trục khi vận chuyển gỗ trên đường lâm nghiệp".

- Chuyên ngành: Kỹ thuật cơ khí; Mãsố: 62 52 01 03

- Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Lâm nghiệp

1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu

1.1. Mục đích nghiên cứu

Xây dựng mô hình động lực học dọc liên hợp máy kéo bốn bánh và rơ mooc một trục có xét đến khớp nối mềm và biến dạng bánh xe chủ động theo phương tiếp tuyến. Khảo sát ảnh hưởng của các thông số kết cấu khớp nối đến phản lực pháp tuyến tác động lên các cầu làm cơ sở xác định chế độ làm việc an toàn trên dốc dọc và hoàn thiện thiết kế liên hợp máy.

1.2. Đối tượng nghiên cứu

            Đối tượng nghiên cứu của luận án là liên hợp máy kéo bốn bánh với rơ mooc một trục do đề tài cấp Nhà nước mã số KC07/26 thiết kế, chế tạo.

2. Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng

            Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm.

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Luận án đã sử dụng phương trình Lagranger loại II để lập hệ phương trình vi phân, sử dụng phần mềm matlab – simulink để khảo sát hệ phương trình.

            Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm: Sử dụng phương pháp thí nghiệm ô tô máy kéo kết hợp với đo lường các đại lượng không điện bằng điện để xác định các thông số đầu vào cho mô hình lý thuyết và minh họa một phần của nghiên cứu lý thuyết

3. Các kết quả chính và kết luận

- Đã xây dựng được mô hình tính toán động lực học dọc của liên hợp máy kéo bốn bánh với rơ mooc một trục khi có khớp nối mềm và kể đến biến dạng theo phương tiếp tuyến của bánh xe chủ động. Đây là cơ sở để khảo sát và nghiên cứu động lực học dọc của liên hợp máy kéo bốn bánh và rơ mooc một trục.

- Đã thiết kết, chế tạo khớp nối mềm giữa máy kéo và rơ mooc với độ cứng C4x = 220.000 N/m và hệ số cản K4x = 30.000 Ns/m dùng cho tính toán lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm.

- Tiến hành khảo sát ảnh hưởng của khớp nối mềm tới phản lực pháp tuyến lên cầu trước máy kéo khi liên hợp máy tăng tốc theo hướng lên dốc. Kết quả cho thấy, khi có thêm khớp nối mềm sẽ làm tăng phản lực pháp tuyến lên cầu trước máy kéo. Do đó đảm bảo điều kiện lái của liên hợp máy từ độ dốc dọc tối đa là 12,5% khi nối cứng lên 19,5% khi có khớp nối mềm.

- Tiến hành khảo sát ảnh hưởng của khớp nối mềm tới quá trình phanh khi liên hợp máy xuống dốc. Kết quả cho thấy, khi sử dụng khớp nối mềm sẽ làm giảm 11,164% thời gian phanh và giảm 15,239 %  quãng đường phanh so với khi sử dụng khớp nối cứng.

- Thiết kế, chế tạo khung thí nghiệm cho phép xác định độ cứng và hệ số cản của bánh xe chủ động ; Thiết kế, chế tạo và hiệu chuẩn khâu đo cho phép đo mô men xoắn trên bán trục chủ động ; Thiết kế, chế tạo và hiệu chuẩn khâu đo cho phép xác định phản lực pháp tuyên lên cầu trước máy kéo.

- Nghiên cứu thực nghiệm xác định được một số thông số đầu vào cho bài toán lý thuyết và kiểm chứng kết quả nghiên cứu lý thuyết: Độ cứng và hệ số cản của bánh chủ động máy kéo theo phương tiếp tuyến; Hệ số cản lăn và hệ số bám của liên hợp máy; Mô men xoắn trên bán trục chủ động của máy kéo khi làm việc; Phản lực pháp tuyến lên cầu trước máy kéo; Gia tốc máy kéo và rơ mooc khi làm việc; Độ trượt của bánh xe chủ động.

- So sánh kết quả với nghiên cứu lý thuyết cho thấy, quy luật thay đổi của vận tốc, phản lực pháp tuyến giữa nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm là giống nhau; sai số giữa nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm của phản lực pháp tuyến khi nối cứng: 6,48%; sai số của phản lực pháp tuyến khi nối mềm: 8,19%. Độ trượt của bánh xe chủ động trong trường hợp nối mềm giảm đi so với nối cứng từ 10,192% xuống còn 6,270%.

 

      Hà Nội, ngày 6 tháng 8 năm 2017

Tập thể người hướng dẫn

Nghiên cứu sinh

 

Nội dung xem trên tệp đính kèm:

LuanAn - ncs.TranVanTung_DHLN

TomTatLuanAn (tiengAnh) - ncs.TranVanTung_DHLN

TomTatLuanAn (tiengViet) - ncs.TranVanTung_DHLN


Chia sẻ

Tin nổi bật