Tuyển sinh 2012, Bộ GD-ĐT chặn đường “lách luật”

2 tháng 3, 2012
(Dân trí) - Những thông tin sửa đổi trong quy chế tuyển sinh năm 2012 mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành cho thấy đã có sự thay đổi mạnh về cách quản lý tuyển sinh sát với thực tế hơn.

Điều 33 trong Quy chế tuyển sinh các năm trước, thực chất nhằm tạo điều kiện cho các trường ĐH vùng và các ĐH đóng trên địa bàn khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu cũng như phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương.

Tuy nhiên, những mùa tuyển sinh qua, cứ đến đợt xét tuyển nhiều trường ĐH, CĐ thành phố ồ ạt xin Bộ GD-ĐT tận dụng áp dụng điều 33 hạ thấp điểm chuẩn để "vơ vét" thí sinh, mặc dù biết thừa vi phạm quy chế tuyển sinh nhưng đó là "phao cứu sinh" nên các trường không bỏ qua.

Khi các trường được áp dụng điều 33, một thí sinh có thể hưởng ưu tiên cộng thêm đến 5 điểm. Như năm trước, thí sinh chỉ cần 8 điểm để trúng tuyển vào khối A, D và 9 điểm để vào khối B, C (với những trường có điểm chuẩn bằng điểm sàn).

Năm nay, Bộ đã làm bước đột phá bỏ quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 33 của Quy chế tuyển sinh hiện hành là đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết; Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao.

Theo đó, bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo, hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường qui định.

Sự thay đổi này đã tạo sự công bằng hơn cho thí sinh miền núi và đường vào ĐH, CĐ của họ không bị đưa ra bàn tán.

Bên cạnh đó, Bộ đã trả lại sự công bằng cho thí sinh đoạt giải quốc gia là được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ. Tăng cường hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan nếu vi phạm quy chế tuyển sinh.

Những thay đổi này đã chặn đường lách luật của nhiều trường bất chấp quy chế tuyển sinh để hòng tuyển đủ thí sinh trong mùa tuyển sinh này. Đây là một bước tiến trong đổi mới giáo dục đại học.

Hồng Hạnh


Chia sẻ

Tin nổi bật